Cần thay đổi ý thức từ người dân
Nếu như trước đây, bà Đinh Thị Là ở thôn 6, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng chỉ sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt duy nhất là chuyển khoản qua ngân hàng, thì thời gian gần đây, bà đã chuyển sang mua sắm trực tuyến thông qua kênh ngân hàng điện tử để hạn chế đi lại. “Không chỉ thanh toán các loại hóa đơn, chuyển tiền mà gửi tiết kiệm tôi cũng đang thực hiện online. Đây là cách bảo vệ sức khỏe, tránh tập trung nơi đông người” - bà Là nhận xét sau một thời gian sử dụng dịch vụ.
Dịch Covid-19 bùng phát cũng phần nào thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt khi mà người dân muốn tìm tới một giải pháp giao dịch không chạm nhưng vẫn đảm bảo mọi hoạt động được lưu thông và mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bù Đăng bình quân mỗi ngày có khoảng 700 lượt khách hàng đến giao dịch. Ngân hàng đã mở 32.000 thẻ ATM, trong đó, khoảng 1.300 thẻ nông nghiệp nông thôn cấp hạn mức thấu chi cho khách giao dịch. Ngân hàng liên kết với Điện lực Bù Đăng thanh toán hóa đơn tiền điện qua các kênh thanh toán điện tử khoảng 7.000 hóa đơn/tháng, tương đương 80% khách hàng. Liên kết với 70 đơn vị trả lương qua thẻ cho khoảng 3.000 cán bộ, nhân viên trên địa bàn huyện, thế nhưng số lượng người dân sử dụng thẻ ngân hàng trong các giao dịch trực tuyến đạt rất thấp. Bà Phạm Thị Thêm ở thôn 3, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng giải thích: “Ở nông thôn nên mua bán gì trả tiền mặt sẽ nhanh hơn. Tôi không biết dùng điện thoại thông minh, không thành thạo các thao tác nên thanh toán tiền điện, nước hay gửi tiền cho người nhà đều phải nhờ đến con cháu vì rất lo ngại về tính an toàn, bảo mật khi chuyển tiền qua mạng”.
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm. Triển khai thực hiện đề án này, ngày 3-2-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND, trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Tại báo cáo tài chính toàn diện của tỉnh, số liệu này đến nay mới chỉ đạt 38,6%. |
Ngoài tâm lý e ngại của người dân, thói quen sử dụng tiền mặt, khả năng tiếp cận với thiết bị hiện đại còn hạn chế, rào cản cho việc đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn còn là việc thiếu hạ tầng thanh toán, các điểm giao dịch ngân hàng, cây ATM đặt cách xa nhau. Ngoài những giao dịch có tính chất bắt buộc từ phía doanh nghiệp, cơ quan nhà nước như: thanh toán tiền điện, nước, thuế đất… thì tiền mặt vẫn là lựa chọn nhanh, gọn của nhiều người dân khi mua sắm, giao dịch.
“Giải pháp của ngân hàng đưa ra là mở thẻ ngân hàng cho đối tượng học sinh, sinh viên; luân phiên đưa ngân hàng lưu động đến vùng sâu, xa để người dân dễ tiếp cận. Hy vọng với những dịch vụ cung cấp sẽ thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn” - bà Nguyễn Phương Thanh, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Bù Đăng cho biết.
Rất cần những “cú hích”
Cùng với các dịch vụ thương mại, tỉnh đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực dịch vụ công. Thống kê lĩnh vực thanh toán trực tuyến thuế đất từ ngày 19-5-2021 đến nay đạt 29.539 giao dịch, với số tiền gần 193 tỷ đồng. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước, tăng trưởng của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn này đạt tốc độ ấn tượng, với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu. Cụ thể trong 10 tháng năm 2021, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng là 3.454 món với doanh số 67.354 tỷ đồng, con số này dự đoán sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ người dân sử dụng tiền mặt trong tất cả giao dịch vẫn chiếm tỷ lệ cao, thậm chí ngay ở khu vực trung tâm như TP. Đồng Xoài, đòi hỏi hệ thống các ngân hàng phải liên tục đổi mới, cung cấp thêm nhiều ứng dụng để tạo thuận lợi tối đa cho người dân sử dụng.
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Toàn tỉnh có 37 chi nhánh của 20 ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội và 4 quỹ tín dụng nhân dân. Tính đến cuối tháng 10-2021, toàn tỉnh có 178 máy ATM và 341 máy POS, 1.248 đơn vị tham gia trả lương qua tài khoản, số lượng giao dịch qua ATM là 4.050.946 lần, giá trị giao dịch qua ATM là 11.208.570 triệu đồng. |
Ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Bình Phước cho biết: Nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch tài chính mọi lúc, mọi nơi, ngân hàng liên tục mở rộng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ ở các lĩnh vực khác nhau như: điện, nước, trường học, bệnh viện, bảo hiểm, các đơn vị hành chính công, thuế, hải quan, kho bạc nhà nước… để đáp ứng tối đa nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng ông cũng thừa nhận tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ đạt khoảng 45%.
Thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu của Chính phủ nhằm hạn chế tiền mặt lưu thông và minh bạch hóa các dòng tiền trong nền kinh tế. Đề án được người dân ủng hộ và đẩy mạnh sử dụng sẽ là yếu tố quyết định thành công của chiến lược chuyển đổi số, chiến lược tài chính toàn diện của quốc gia. Để đẩy nhanh thực hiện lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt, rất cần cơ quan nhà nước, hệ thống các ngân hàng tạo “cú hích” khuyến khích cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; các hình thức thanh toán phải đơn giản, dễ sử dụng và bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Nguồn tin: NHNN Binh Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn